Chắc từ nhỏ xíu xiu bạn đã được các cô chỉ dạy khi đi đường gặp đèn xanh thì chạy, gặp đèn vàng đi chậm và gặp đèn đỏ thì dừng lại, và chắc chắn điều đó đã ăn nhập sau vào tiềm thức của bạn lâu lắm rồi, và bây giờ, sau khi đã trưởng thành, đã hoàn thành một khóa học lái xe ô tô hoặc thi bằng lái xe máy, nhưng thành thật với bản thân mà trả lời – bạn có thực hiện đúng được như vậy hay chưa? Hay là gặp đèn xanh đi, đèn vàng …cũng đi và thậm chí đèn đỏ còn đi nhanh hơn nữa
Hầu như ai cũng biết khi tham gia giao thông, phải dừng khi đèn đỏ. Đó là luật giao thông đường bộ, là văn hóa. Đâu cũng vậy, chả riêng xứ này, và không loại trừ một ai. Đáng lẽ ý thức ấy phải ngấm vào máu, lặn vào từng tế bào, thành điều hết sức bình thường trong đời sống mỗi con người, nhưng… thực tế lại không hẳn thế.
Trong hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Bộ VH-TT-DL mới đây (ngày 16.1), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rất tâm tư và bức xúc khi nói ra điều mong mỏi: “Phải làm sao để lúc 11 giờ đêm, người đi đường nhìn thấy đèn đỏ, dù vắng vẫn dừng lại”. Một nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia còn phải trăn trở về điều ấy tức là chuyện “dừng đèn đỏ”, phần rất nhỏ của luật giao thông, điều dễ thực hiện nhất, đang có vấn đề. Mà chả riêng ý thức chấp hành luật giao thông, mở rộng ra, là nếp sống, hành vi văn hóa, văn minh của con người trong cuộc sống hằng ngày cũng đang có vấn đề.
Chắc không ít người còn nhớ những tranh luận trái chiều xung quanh câu khẩu hiệu tuyên truyền thực hiện luật Giao thông ở Bình Định: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”. Đành rằng nội hàm khẩu hiệu ấy còn phải bàn nhưng tôi nghĩ có lẽ ở người đưa ra khẩu hiệu ấy sự nhẫn nhịn, chịu đựng trước hành vi xem thường tính mạng mình và người khác đã tới giới hạn, không thể chịu được nữa, đành phải gay gắt hơn. Với không ít người thích vượt đèn đỏ, mấy lời khuyên kiểu “thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn” chả ép phê gì, thiếu điều phải quát thẳng vào mặt may ra họ mới chuyển biến.
Ai đó sẽ bảo mấy chuyện nhỏ nhặt, không đáng bàn, không chấp, còn bao nhiêu chuyện lớn hơn kia kìa. Vâng, nhưng nhỏ hay lớn tùy người, tùy quan niệm, sao không nghĩ tới “cái sảy nảy cái ung”, lớn sinh ra từ nhỏ, việc nhỏ, điều nhỏ mà không làm được thì mong chi việc lớn. Nhỏ nhưng chúng gây khó chịu, làm hỏng chất lượng cuộc sống. Chắc ai cũng từng phải bực mình với những hành vi hút thuốc nơi cấm hút, gọi điện thoại trên máy bay dù đã được nhắc nhở, khạc nhổ bừa bãi, xả rác ngoài đường, ăn mặc thiếu ý thức ở những nơi cần tôn nghiêm như chùa chiền, trường học, đi họp muộn..., tất nhiên có cả vượt đèn đỏ.
Cổ nhân dạy rằng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất để hình thành nhân cách. Sực nhớ đến cuốn Luân lý giáo khoa thư của các cụ túc nho Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận... dạy đám trẻ đầu còn để chỏm suốt mấy chục năm đầu thế kỷ 20. Biết bao nhiêu bài học giản dị về nhân cách mà thấm thía. Ví dụ trong bài Lễ phép, các cụ dạy: “Con người ta, bất cứ sang hay hèn, cũng phải giữ cho nó lễ phép. Lễ phép là cái tư cách của người có giáo dục biết tự trọng và trọng người”. Đọc điều này, tôi nghĩ rằng, nếu mấy cái người không biết dừng khi đèn đỏ kia mà được học điều giản dị ấy ngay từ thời thơ ấu thì đâu đến nỗi thế.
- Cuộc sống xã hội có vô vàn những đèn đỏ cần thiết đặt ra trước hành vi của con người. Đừng để một vị lãnh đạo như ông phó thủ tướng phải mong mỏi ai cũng biết dừng đèn đỏ dù lúc đó 11 giờ đêm. Vậy thì mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ hãy tự thể hiện mình là người có nhân cách, từ những điều nhỏ nhất.
Theo Nguyễn Thông - tuoitre
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trung Tâm Dạy Lái Xe Ô Tô Trường An gửi tặng các học viên đang và có dự định sẽ tham gia các khoá học lái xe ô tô, học bằng lái xe B2 hoặc thi bằng lái xe máy a1, thi bằng a2 những giây phút thư giãn thoải mái và vui vẻ.